Những giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán
Vì vậy, nó là căn cứ quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định quản lý và các bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng… đưa ra các quyết định kinh tế.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Kiểm toán độc lập. Vấn đề này đã được thảo luận vào ngày 13/11 tại Quốc hội 12 kỳ họp thứ 8. Đến tháng 5/2011, Quốc hội sẽ thông qua và công bố Luật Kiểm toán độc lập.
Qua tổng hợp cho thấy đại bộ phận các bộ, ngành các đại biểu tham gia hội thảo đều thống nhất với sự cần thiết và nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, việc xem xét Báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý hay không và Báo cáo kiểm toán có thể thay thế được kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán nhà nước hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Có cần quy định rõ về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán ?
Trước hết, cần hiểu rõ thế nào là giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán. Tôi cho rằng giá trị pháp lý là giá trị bắt buộc phải thực hiện, tức là đơn vị được kiểm toán bắt buộc phải tuân thủ và thực hiện các kết luận ghi trong báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề (sau đây gọi tắt là KTV). Điều đó là không đúng vì kiểm toán độc lập chỉ là dịch vụ tư vấn. Người được tư vấn không có trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện ý kiến của người tư vấn. Để làm rõ giá trị của Báo cáo kiểm toán, trước hết chúng ta cần xem xét trách nhiệm đối với Báo cáo tài chính (BCTC), trách nhiệm đối với Báo cáo kiểm toán và nội dung, các loại ý kiến của KTV về BCTC theo thông lệ quốc tế và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, trách nhiệm đối với BCTC và trách nhiệm đối với Báo cáo kiểm toán:
– Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và theo quy định của Luật Kế toán VN thì người đại diện theo pháp luật của DN, tổ chức (đơn vị được kiểm toán) chịu trách nhiệm lập và trình bày trung thực và hợp lý BCTC theo đúng tình hình tài sản và kết quả kinh doanh của đơn vị và đúng chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành. Trách nhiệm của KTV và DN kiểm toán (DNKT) là kiểm tra và xác nhận về sự trung thực và hợp lý của BCTC chứ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về BCTC. Mục tiêu của kiểm toán BCTC là giúp cho KTV và DNKT đưa ra ý kiến xác nhận rằng BCTC có được lập trên cơ sở chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành, có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không ? Ý kiến của KTV đưa ra trong Báo cáo kiểm toán chỉ làm tăng sự tin cậy của các BCTC chứ không làm giảm nhẹ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm toán đối với BCTC đã kiểm toán. Người sử dụng BCTC không thể cho rằng ý kiến của KTV là sự đảm bảo về khả năng tồn tại của đơn vị được kiểm toán trong tương lai cũng như hiệu quả và hiệu lực điều hành của bộ máy quản lý.
Quan hệ kiểm toán độc lập dựa trên hợp đồng dịch vụ mà DNKT đã ký với khách hàng. KTV và DNKT chịu trách nhiệm thực hiện dịch vụ kiểm toán theo các nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập bao gồm: Tuân thủ pháp luật, chuẩn mực kiểm toán VN và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; độc lập, trung thực, khách quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp.
Thứ hai, nội dung và các loại ý kiến của KTV về BCTC theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 700- Báo cáo kiểm toán về BCTC
(1) Các loại ý kiến của KTV độc lập: Khác với ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm toán nhà nước, hoặc cơ quan thuế, cơ quan thanh tra, căn cứ kết quả kiểm toán, KTV đưa ra một trong 4 loại ý kiến về BCTC như sau:
(a) Ý kiến chấp nhận toàn phần
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần được trình bày trong trường hợp KTV cho rằng BCTC phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán, phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán VN hiện hành. Ý kiến chấp nhận toán phần không có nghĩa là BCTC được kiểm toán là hoàn toàn đúng mà có thể có sai sót nhưng sai sót đó là không trọng yếu, không làm ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng BCTC.
(b) Ý kiến chấp nhận từng phần
Ý kiến chấp nhận từng phần được trình bày trong trường hợp KTV cho rằng BCTC chỉ phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị, nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuỳ thuộc (hoặc ngoại trừ) mà KTV đã nêu ra trong báo cáo kiểm toán. Điều này cũng có nghĩa là nếu các yếu tố do KTV nêu ra trong báo cáo kiểm toán có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC thì BCTC đó đã không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu.
Yếu tố tuỳ thuộc là yếu tố trọng yếu nhưng không chắc chắn, như các vấn đề liên quan đến tính liên tục hoạt động kinh doanh của DN, hoặc một khoản doanh thu có thể không được công nhận làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Yếu tố tuỳ thuộc do KTV nêu ra thường liên quan đến các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, nằm ngoài khả năng kiểm soát của đơn vị và KTV. Việc đưa ra yếu tố tuỳ thuộc cho phép KTV hoàn thành trách nhiệm kiểm toán của mình nhưng cũng làm cho người đọc BCTC phải lưu ý và tiếp tục theo dõi khi sự kiện có thể xảy ra.
Ý kiến chấp nhận từng phần được đưa ra trong trường hợp KTV cho rằng không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, những phần không chấp nhận do không đồng ý với Giám đốc đơn vị được kiểm toán hay do công việc kiểm toán bị giới hạn, là quan trọng nhưng không liên quan tới một số lượng lớn các khoản mục tới mức có thể dẫn đến “ý kiến từ chối, hoặc không chấp nhận”.
(c) Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến)
Ý kiến từ chối được đưa ra trong trường hợp hậu quả của việc bị giới hạn phạm vi kiểm toán là quan trọng hoặc thiếu thông tin liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục tới mức mà KTV không thể thu thập đầy đủ và thích hợp các bằng chứng kiểm toán để có thể cho ý kiến về BCTC.
(d) Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược)
Ý kiến không chấp nhận được đưa ra trong trường hợp các vấn đề không thống nhất với Giám đốc là quan trọng hoặc liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục đến mức độ mà KTV cho rằng ý kiến chấp nhận từng phần là chưa đủ để thể hiện tính chất và mức độ sai sót trọng yếu của BCTC.
Trên thực tế KTV không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần trong trường hợp xảy ra một trong các tình huống có thể ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC, như: (i) Phạm vi công việc kiểm toán bị giới hạn như do khách hàng áp đặt, do hoàn cảnh thực tế, do các tài liệu kế toán không đầy đủ, hoặc là do KTV không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết; (ii) Không nhất trí với Giám đốc đơn vị được kiểm toán về việc lựa chọn và áp dụng chuẩn mực, chế độ kế toán hoặc sự không phù hợp của các thông tin ghi trong BCTC hoặc phần thuyết minh BCTC.
Như vậy ý kiến của KTV đưa ra trong Báo cáo kiểm toán chỉ làm tăng sự tin cậy của các BCTC và chỉ là ý kiến tư vấn mà không là kết luận của các cơ quan thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán nhà nước nên không bắt buộc đơn vị được kiểm toán phải tuân thủ. Báo cáo kiểm toán không thể thay thế được kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và công việc của KTV không thể thay thế công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này được giải thích rõ hơn vì ý kiến của KTV về BCTC không phải là sự đảm bảo tuyệt đối mà chỉ là sự đảm bảo rằng BCTC nếu có sai sót trọng yếu thì đã được KTV phát hiện và trình bày trong Báo cáo kiểm toán. Đảm bảo hợp lý là khái niệm liên quan đến việc thu thập bằng chứng kiểm toán cần thiết giúp KTV kết luận rằng BCTC không còn sai sót trọng yếu. Ý kiến của KTV chỉ là sự đảm bảo hợp lý vì: (i) Khả năng phát hiện ra sai sót trọng yếu của KTV bị giới hạn do những hạn chế tiềm tàng như: Sử dụng phương pháp kiểm toán chọn mẫu, những hạn chế tiềm tàng của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soat nội bộ (như khả năng xảy ra thông đồng, giả mạo chứng từ ngay trong đơn vị được kiểm toán) và phần lớn các bằng chứng kiểm toán thường có tính xét đoán và thuyết phục nhiều hơn sự đảm bảo chắc chắn; (ii) Để đưa ra ý kiến kiểm toán, KTV chủ yếu phải dựa vào sự đánh giá, xét đoán riêng của mình, dựa trên các bằng chứng kiểm toán thu thập được.
Cần giải thích rõ về giá trị của báo cáo kiểm toán
Có nhiều ý kiến đề nghị giải thích rõ nếu báo cáo kiểm toán không có giá trị pháp lý thì có giá trị gì và có giá trị như thế nào để khẳng định vai trò quan trọng của ngành nghề này và Nhà nước mới phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập để chi phối, điều chỉnh và quản lý hoạt động kiểm toán độc lập ? Đồng thời có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm nghề nghiệp của KTV và DNKT để góp phần tăng cường giá trị kiểm toán.
Thứ nhất, về Báo cáo kiểm toán có giá trị thực tế cao hơn là có giá trị pháp lý: Kiểm toán là loại hình dịch vụ nên mục đích của nó là phải gia tăng giá trị cho người mua dịch vụ. Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường của tất cả các quốc gia với vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy của thông tin trong BCTC. Công việc của KTV sẽ cung cấp một cơ sở vững chắc cho các bên có liên quan để đi đến các kết luận và đưa ra các quyết định hợp lý, đúng đắn của chính họ về khả năng tồn tại và triển vọng tương lai của DN. Sản phẩm của kiểm toán độc lập là những thông tin kinh tế tài chính đã được các KTV có đủ năng lực và độc lập xác nhận về mức độ phù hợp với các chuẩn mực đã được thiết lập. Vì vậy, nó là căn cứ quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định quản lý và các bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng… đưa ra các quyết định kinh tế.
Sự biến động kinh tế gần đây đã gây nhiều chú ý hơn về trách nhiệm của KTV cũng như DNKT và giá trị của kiểm toán đã thay đổi vì rủi ro thất bại của DN cao hơn và ảnh hưởng của các phán quyết được đưa ra dựa trên toàn bộ các thông tin về DN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng sử dụng hơn, không chỉ dừng lại các nhà đầu tư như khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cơ quan nhà nước… phạm vi và giá trị kiểm toán cần vượt lên trên sự trung thực và hợp lý của BCTC để đánh giá về quản lý rủi ro, quản trị DN và mô hình kinh doanh tổng thể, đặc biệt là khả năng tồn tại của DN trong các điều kiện khác nhau.
Thứ hai, về trách nhiệm nghề nghiệp của KTV và DNKT: Kiểm toán độc lập là một loại hình dịch vụ đặc biệt đòi hỏi các chủ thể kiểm toán phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định về nghề nghiệp. KTV và DNKT chịu trách nhiệm kiểm tra và đưa ra ý kiến của mình về BCTC. DNKT chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi trách nhiệm của mình với người sử dụng kết quả kiểm toán (về các thiệt hại xảy ra là do lỗi của KTV và DNKT do đưa ra ý kiến kiểm toán sai). Theo thông lệ của hầu hết các nước và theo quy định của pháp luật hiện hành về kiểm toán độc lập thì DNKT chỉ chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán chứng minh được rằng họ: (i) Có lợi ích liên quan trực tiếp tới kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán; (ii) Có hiểu biết một cách hợp lý về BCTC và cơ sở lập BCTC; (iii) Đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên BCTC đã kiểm toán.
Để làm rõ các vấn đề như đã nêu trên, Luật Kiểm toán độc lập cần quy định các nội dung liên quan đến mục đích, giá trị của báo cáo kiểm toán để thể hiện rõ giá trị và lợi ích của hoạt động kiểm toán độc lập. Đồng thời cần bổ sung thêm quy định các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cá nhân khác khi sử dụng báo cáo kiểm toán phải chịu trách nhiệm về quyết định sử dụng báo cáo kiểm toán của mình. Quy định này nhằm xác định rõ ràng trách nhiệm đối với việc sử dụng kết quả kiểm toán. Cụ thể, hoạt động kiểm toán độc lập góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế tài chính của các DN, tổ chức; lành mạnh hóa môi trường đầu tư; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của DN, tổ chức.
Bên cạnh đó là giá trị của báo cáo kiểm toán. Kế thừa quy định của Nghị định 105/2004/NĐ-CP và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật cần quy định: Báo cáo kiểm toán xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCTC trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với quy định hiện hành về lập và trình bày BCTC; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền và tài sản của đơn vị được kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán là một trong những tài liệu để: (a) Các cổ đông, các nhà đầu tư có quyền lợi trực tiếp với đơn vị được kiểm toán, các bên tham gia liên doanh, liên kết, các khách hàng và tổ chức, cá nhân khác xử lý các mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan; (b) Cơ quan nhà nước và đơn vị cấp trên sử dụng cho quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; (c) Giúp đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời các sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.
Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới bị phá sản đã gây nên sự thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung, những sự kiện gây xôn xao dư luận về các tập đoàn kinh tế lớn phá sản trong khi BCTC công khai có nhiều sai sót trọng yếu nhưng vẫn được KTV và DNKT xác nhận là trung thực và hợp lý càng khẳng định thêm về tình trạng khẩn cấp và yêu cầu phải tăng cường hơn nữa các quy định bổ sung cần thiết để tăng cường chất lượng dịch vụ kiểm toán và từ đó góp phần nâng cao giá trị của báo cáo kiểm toán. Do hoạt động kiểm toán có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán mà còn cả các tổ chức, DN và công chúng đầu tư. Việc ban hành khuôn khổ pháp lý cao, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho công tác giám sát chất lượng, phòng ngừa những thiệt hại cho nền kinh tế cũng như cho các DN, các nhà đầu tư, đồng thời đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần tăng cường công cụ quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Leave a Reply